Các Lễ Hội Độc Đáo Đón Xuân Tại Việt Nam

26/06/2018

Trong tiết trời cuối đông, đầu xuân, chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, từ Bắc chí Nam, người dân mỗi vùng miền lại tổ chức lễ hội dựa trên đời sống, sản xuất, văn hoá và những sự tích riêng của họ. Đó là những nét đẹp vô giá về tinh thần, tâm linh, mang theo nhiều nguyện cầu, mong ước.

Lễ hội Tồng Ngồng

Là lễ hội truyền thống đặc trưng của cộng đồng người Tày, được tổ chức thường niên vào tháng Giêng, tháng Hai âm lịch theo từng địa phương. Lễ hội là dịp để bà con khắp nơi cầu phúc lộc, mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, no ấm hạnh phúc. Nhiều trò chơi dân gian cổ truyền như ném còn, bịt mắt bắt dê, hát lượn… được tổ chức trong lễ hội này.
lễ hội lồng tồng
Lễ hội Căm Mường
Dân tộc Lự ở Lai Châu mang trong tâm thức tín ngưỡng về thần sông, thần núi, thần khe, thần suối và thần rồng. Rằng cuộc sống của họ có ấm no, đủ đầy hay không là nhờ các vị thần che chở. Chính vì thế, họ tổ chức lễ hội Căm Mường để dâng lễ vật tạ ơn thần linh và cầu nguyện cho một năm sung túc, điều lành ở lại, điều dữ mang đi.
lễ hội căm mường
Đây là một lễ hội truyền thống Việt Nam đặc sắc của người dân vùng cao mà rất nhiều du khách mong muốn được chứng kiến một lần trong tiết đầu xuân. Lễ vật dâng thần linh tuy mộc mạc nhưng lại chứa đầy sự tỉ mỉ và được thực hiện theo nghi thức trang trọng. Mâm lễ vật bên cạnh hoa quả, rượu thịt thì còn có 18 chiếc thuyền giấy màu xanh lá và màu vàng. Màu xanh là tượng trưng cho rừng núi bạt ngàn, màu vàng là những cánh đồng lúa chín trổ bông, hình ảnh của một năm được mùa, no ấm.

LỄ HỘI HOA BAN

Hay còn được gọi là hội Xên bản, Xên mường – một lễ hội của đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội được tổ chức vào mùa hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc, tức là vào dịp tháng Hai âm lịch. Lễ hội hoa ban được mệnh danh là ngày hội của tình yêu đôi lứa, ngày hội của hạnh phúc gia đình, hội cầu mùa màng tươi tốt, cuộc sống no ấm nơi bản mường, và cũng là dịp để bà con và du khách tham gia các trò chơi, thi tài, hát giao duyên trong những đêm trăng sáng.

LỄ HỘI CẦU AN BẢN MƯỜNG

Là lễ hội truyền thống của bà con dân tộc Thái ở Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu và đồng bào dân tộc Mường. Lễ hội cầu an bản Mường là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc. Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch hằng năm; được gắn với tục giết trâu và tạ thần linh thể hiện qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng… Lễ hội có nhiều hoạt động liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh, mùa màng hay sức khỏe của cả cộng đồng trong năm diễn ra lễ hội.
lễ hội cầu an bản mường

LỄ HỘI CHÙA BÁI ĐÍNH

Là một lễ hội xuân, lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư nổi tiếng, diễn ra từ ngày mùng 6 Tết đến hết tháng 3, lễ hội chùa Bái Đính được tổ chức hàng năm tại thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn.
lễ hội chùa bái đính

Vào mùa khai hội, hàng triệu phật tử trong cả nước cùng du khách thập phương lại nô nức trẩy hội chùa Bái Đính, để cảm nhận được tình yêu thiên nhiên trong ngày hội lịch sử để từ đó hướng về quá khứ dựng nước. Trẩy hội chùa Bái Đính không dừng lại ở chốn Phật đài hay bầu trời – cảnh bụt, mà còn là ở sự tiếp xúc, hòa nhập giữa con người trước thiên nhiên rộng lớn một vùng.

LỄ HỘI ĐỀN GIÓNG

lễ hội đền gióng
Khu di tích đền Gióng bao gồm đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài Thánh Gióng, chùa Non Nước cùng các lăng bia đá ghi lại chi tiết về lịch sử và lễ hội đền Sóc. Năm 2011, hội Gióng đã vinh dự đón nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO công nhận.

Lễ hội đền Gióng được khai hội ngày 6/1 âm lịch hàng năm và tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo truyền thuyết, vùng đất này là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi cởi bỏ áo giáp bay về trời. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng thu hút sự quan tâm của người dân địa phương và du khách quốc tế.

LỄ HỘI CẦU NGƯ

Là lễ hội của nhân dân làng Thái Dương hạ (thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ba năm một lần làng lại tổ chức đại lễ rất linh đình.

Lễ hội để tưởng nhớ Trương Quý Công (biệt danh là Trương Thiều) – vị thành hoàng của làng. Ông là người gốc Thanh Hoá, đã có công dạy cho dân nghèo cách đánh cá và buôn bán ghe mành.
lễ hội cầu ngư

Lễ hội cầu Ngư có các trò chơi mô tả cảnh sinh hoạt của nghề đánh cá, đặc sắc là hình ảnh “bủa lưới” mang ý nghĩa trình nghề, khắc họa đậm nét nghi lễ dân gian của cư dân vùng ven biển.

HỘI CHÙA KEO

Là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam, chùa Keo nằm tại địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Gác chuông của chùa Keo cũng là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo hiếm có giữa màu xanh bạt ngàn của vùng quê lúa Thái Bình.
lễ hội chùa keo

Lễ hội chùa Keo với tục thờ thiền sư Không Lộ, có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân trong vùng ghé thăm. Lễ hội được tổ chức 2 kỳ trong năm: Hội xuân được tổ chức vào ngày 4 Tết Nguyên Đán còn Hội thu được tổ chức vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9.

Ngoài lễ Phật, hội chùa Keo còn có các cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp như các trò thi bắt vịt, nấu cơm và ném pháo.

LỄ HỘI DINH CÔ

lễ hội dinh cô
Là một khu đền có kiến trúc khá hoành tráng nằm hai bên bờ biển Long Hải (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là nơi thờ một cô gái giàu lòng nhân ái, bị nạn sau một lần đi biển. Hàng năm, lễ hội Dinh Cô kéo dài 2 ngày từ 10 đến 12 tháng Hai âm lịch, được ngư dân Long Hải tổ chức theo nghi thức cổ truyền.

Các vị cao niên (chủ lễ) thường mặc lễ phục trang nghiêm và có những lời cầu nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Sau đó, bắt đầu lễ nghinh Cô ngoài biển với những thuyền hoa lộng lẫy.

LỄ HỘI NÚI BÀ ĐEN

lễ hội núi bà đen
Phương Nam ấm áp trong dịp đầu xuân, người dân lại rủ nhau lên Núi Bà Đen ở Tây Ninh để viếng Bà, nguyện cầu năm mới an khang, thịnh vượng, tài lộc. Đặc biệt, trong ngày Rằm tháng Giêng, miếu thờ bà hầu như chật cứng người đến hành hương, bái lễ kết hợp với thăm thú phong cảnh. Đây là điểm du lịch linh thiêng mà người dân tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đổ về rất đông.

Từ chân núi đi lên, rất nhiều chùa chiền, miếu, hang động và tượng như Điện Bà, Chùa Phật, Động Thanh Long, Động Huyền Môn, Động Kim Quang, Hang Gió, Tháp Tổ nhưng Điện Bà là đông nhất, quanh năm nhang khói nghi ngút.

Điện Bà nằm ở lưng chừng núi với bức tượng Bà được tạc bằng đồng đen, khoác trên mình y phục lộng lẫy và trang sức lấp lánh. Leo bộ lên núi viếng Bà là cách mà người dân thể hiện lòng sùng kính. Bên trong điện lúc nào cũng mát rượi dù cho bên ngoài có nắng nóng thế nào. Với những thương nhân, họ quan niệm rằng đầu năm đến viếng và “vay mượn” Bà, nhờ vìa Bà, lộc Bà, cả năm sẽ làm ăn thuận lợi, tài lộc kéo về rồi đến ngày vía Bà đi trả lễ, tạ ơn Bà.
Địa chỉ: 59 Nguyễn Khắc Nhu, P.Cô Giang, Quận 1, TP.HCM
Hotline: 0906 309 885
Hỗ trợ trực tuyến

Đang xử lý... Vui lòng chờ trong giây lát.