1. Lào
Với người Lào, Tết đón năm mới có tên là Bunpimay (còn gọi là Tết “Buộc chỉ cổ tay”, hay lễ hội “Hốt Nậm”. Người Lào rất chú trọng ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân vào ngày tết. Món này thường được các gia đình làm rất công phu, nếu không ngon, coi như năm đó gia chủ gặp nhiều xui xẻo.
Người Lào còn có tục biếu vải, biếu khăn cho người già và cài hoa Champa lên tóc hoặc kết thành chùm để cầu mong phước lành. Ngoài hoa Champa, người Lào còn hay sử dụng hoa muồng (bò cạp vàng, hoa hoàng hậu) trong ngày Tết để cầu may.
2. Campuchia
Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của người Campuchia, diễn ra trong 3 ngày từ 13 - 15/4 dương lịch hàng năm. Người dân thường thực hiện những lễ nghi tín ngưỡng cầu may như: làm mâm cơm dâng cúng phật, sư sãi và tổ chức lễ tắm tượng Phật, đắp những núi cát nhỏ trên sân chùa. Sau đó, họ mới đi chúc Tết cha mẹ. Thay lời chúc Tết, họ thường dội nước lên người nhau, với quan niệm: “Người nào được té nhiều nước thì càng thêm nhiều niềm vui, may mắn trong năm”.
3. Thái Lan
Tết cổ truyền của đất nước Thái Lan có tên gọi là Songkran được tổ chức từ ngày 13-15/4 dương lịch hàng năm. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật. Người Thái Lan thường dọn dẹp nhà cửa, rũ bỏ những cái cũ, té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước, bóng... với quan niệm, ai được té càng nhiều nước thì càng may mắn.
4. Indonesia
Người dân ở Indonesia ăn Tết rất sớm theo lịch của người Hồi giáo. Trong những ngày này, người dân Indonesia chia nhau dựng những ngôi đền thờ bằng trái dừa, lá dừa, cây mía và gạo nhuộm đủ màu sắc để làm nơi tế thần linh.
5. Malaysia
Cũng như ở Indonesia, đất nước Malaysia lấy ngày đầu năm của lịch Hồi giáo làm ngày lễ Tết. Người Malaysia có tục lệ chạm nhẹ bàn tay mình vào lòng bàn tay người đối diện, khi gặp nhau ngày đầu năm, sau đó nắm tay lại rồi áp sát vào tim trong khoảng thời gian ngắn. Người nào lớn tuổi hơn thì chào hỏi trước. Tuy nhiên, việc chủ động chạm tay vào tay người phụ nữ là điều hết sức cấm kỵ tại quốc gia này.
6. Singapore
Ngoài hàng loạt lễ hội vào ngày đầu năm mới, người dân Singapore thường tổ chức các cuộc thăm viếng, chúc Tết và đi chùa cầu may. Mỗi năm ứng vào từng con giáp, những gia đình tiểu thương ở đây sẽ làm nhiều vật phẩm kỷ niệm liên quan đến con vật để bày bán cho mọi nhà về trưng bày dịp Tết truyền thống dân tộc.
7. Philippines
Do chịu ảnh hưởng nhiều bởi các phong tục phương Tây nên người Philippines ăn Tết từ lễ Giáng sinh. Trước đêm giao thừa, các gia đình bắt tay vào chuẩn bị bàn tiệc "Media Noche" để thưởng thức vào đúng nửa đêm. Trước khi ăn, mọi người trong gia đình đọc lời cầu nguyện cảm ơn một năm đã qua và đón mừng năm mới.
8. Myanmar
Tết truyền thống của Myanmar có tên gọi là tết Thingyan trùng vào dịp lễ Phục Sinh của các nước phương Tây. Mọi người thường tới viếng thăm người lớn tuổi và quỳ lạy để thể hiện lòng tôn kính cũng như dâng nước đựng trong các nồi đất nung và xà phòng thơm.
Theo cách thức truyền thống, người nhỏ tuổi sẽ gội đầu cho người lớn tuổi, bằng với hạt và vỏ của cây keo Acacia rugata. Cũng vào ngày này, người Myanmar quyên góp thức ăn ở nhiều nơi, đặc biệt là phát thức ăn miễn phí cho những người tham gia lễ hội năm mới.
9. Việt Nam
Tết cổ truyền Việt Nam, còn được gọi là Tết Nguyên Đán, ngày Tết của gia đình. Chiều 30 Tết, nhà nhà làm lễ “rước” gia tiên và gia thần, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Tết cũng là ngày đoàn tụ với người đã khuất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình theo Phật giáo đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên đã qua đời về ăn cơm Tết với các con các cháu.