Bên ủng hộ
“Tết hội nhập”, “Gộp Tết Tây với Tết Ta” có lẽ là những từ khóa được tìm kiếm ngày càng nhiều khi Tết đang đến gần. Rất nhiều quan điểm ủng hộ lộ trình này với nhiều luận điểm được đưa ra.
Thứ nhất, những người ủng hộ thường đứng từ góc nhìn kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài, kèm nhiều hệ lụy như tai nạn, ẩu đả, bia rượu, tâm lý chây ì đi làm sau Tết… Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp nói riêng và gây ra lãng phí cho xã hội nói chung. Đình trệ việc sản xuất, kinh doanh trong thời gian dài gây ảnh hưởng mạnh đến dòng chảy liên tục của kinh doanh và những thiệt hại do quá trình đứt quãng. Những doanh nghiệp làm ăn kinh doanh với nước ngoài lại càng bất lợi hơn khi mất khoảng hai tuần giao dịch, nhất là thời điểm đầu năm là lúc nhiều cơ hội mở ra trong khi chúng ta đóng cửa ăn Tết.
Ngoài ra, các hệ lụy xã hội cũng là một luận điểm vững chắc ủng hộ quan điểm gộp hai Tết.
Ngày Tết nghỉ dài ngày là cơ hội cho các hoạt động hưởng thụ quá mức, các tệ nạn xã hội cũng như mê tín dị đoan, biếu xén hối lộ, tặng quà Tết lên ngôi. Tết Ta mỗi năm có hàng nghìn người nhập viện do đánh nhau, bia rượu, tai nạn giao thông. Các hoạt động ăn theo như những lễ hội tốn kém gây ra tâm lý chây lỳ và uể oải khi bắt đầu làm việc lại. Ý kiến của một đại biểu quốc hội còn cho rằng “Theo tôi được biết, chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc mới có kỳ nghỉ Tết kéo dài như vậy. Nhật Bản không ăn Tết Âm lịch từ lâu rồi. Họ chỉ ăn Tết Dương lịch nhưng vẫn giữ gìn được những truyền thống văn hóa riêng có. Tất cả các nước trên thế giới ăn Tết Dương lịch trong ngày 1/1 và ngày Noel chứ không nghỉ tới 9 ngày như Việt Nam..." Một Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng sau Tết Nguyên Đán kéo dài phải mất hơn 1 tuần, thậm chí là qua Tết Nguyên Tiêu thì nhiều cơ quan mới thực sự bắt nhịp công việc ổn định. Vì vậy, người này cho rằng cần sớm có lộ trình gộp Tết ta vào Tết Tây. Ý kiến ủng hộ đến chủ yếu từ góc nhìn vĩ mô và những người có một quan điểm khá rõ ràng về được mất mang tính hữu hình, kinh tế.
Bên phản đối
Rất nhiều ý kiến phản biện đến từ góc nhìn cá nhân. Luận điểm chủ yếu được đưa ra là việc cần thiết phải giữ gìn những giá trị văn hóa tinh thần cùa dân tộc, mà cụ thể là lịch mặt trăng. CÁc dịp lễ lộc của người Việt đều được tính theo theo lịch âm. Nếu ăn Tết theo Tết Tây thì âm lịch mặc định sẽ dần dần bị lãng quên, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những thói quen truyền thống của người Việt như đi lễ chùa vào ngày rằm, cúng vào đầu cuối tháng, giổ ông bà tổ tiên. Chưa kể có nhiều lễ hội, ngày Quốc lế như giổ tổ Hùng Vương sẽ khó có thể duy trì nếu bỏ lịch âm. Ngoài ra, ý nghĩa tinh thần của Tết Nguyên Đán cũng được nhấn mạnh, vì cảm giác, không khí của Tết Dương không thể so sánh với Tết âm lịch.
Đây là một quan điểm tương đối cảm tính, chủ quan và phụ thuộc vào từng người, tuy nhiên lại là quan điểm rất có sức thuyết phục vì nó đánh trúng vào tinh thần dân tộc, vào những giá trị thiêng liêng của từng người. Quan điểm này rất khó lượng hóa để đem so sánh với các giá trị kinh tế, do đó nhưng tranh cãi của hai bên lại càng gay gắt hơn. Tết Nguyên Đán không hẳn là ngày nghỉ, là ngày tiêu pha, tốn kém của cải vật chất mà hơn đó là ngày đoàn viên, ngày của tình cảm. Trẻ em háo hức cùng cha mẹ dọn nhà, vui mừng mua sắm quần áo mới, nhà cửa trang hoàng cùng mai đào cúc huệ, cùng nhau đón giờ phút giao thừa linh thiêng, nhớ đến những người đã khuất hay còn sống với lòng biết ơn, tình cảm tốt đẹp. Ngày Tết Nguyên Đán là ngày đi tặng quà Tết cho ông bà, chúc tuổi và nhận lì xì, là ngày hàn gắn và củng cố tình cảm giữa người với người. Bên phản đối cũng xem xét những luận điểm đưa ra của bên ủng hộ và có nhiều phản biện. Nhiều người cho rằng việc tiêu pha, nghỉ ngơi không phải chỉ Việt Nam mới có mà nước nào cũng có, chỉ là mỗi nước diễn ra vào thời điểm khác nhau và thời điểm của nước ta là Tết Nguyên Đán. Chúng ta không có Lễ Tạ ơn, kỳ nghỉ hè hay lễ các Thánh, kỳ nghỉ đông,…thì việc nghỉ Tết cũng là một điều dễ hiểu. Những lãng phí do ngày Tết đến từ cách quản lý và vận động của chính quyền và ý thức mỗi người chứ không phải do ngày Tết. Gộp vào Tết Tây thì người ta cũng xem đó là một kỳ nghỉ, vẫn chây lười, tệ nạn rượu chè nếu không có ý thức. Ngoài ra, Tết Nguyên Đán từ góc nhìn kinh tế cũng có những lợi ích không nhỏ trong việc kích cầu tiêu dùng, giải trí, du lịch. Ngày Tết không thể thiếu giỏ quà Tết để biếu tặng ông bà, chai rượu hay hộp bánh để dùng trong gia đình cùng những thức truyền thống như gạo nếp, thịt, dưa, rau cỏ, trái cây,…
Giải pháp nào là đúng đắn?
Đây thực sự là một câu hỏi khó trước dòng chảy hội nhập đang ngày càng mạnh mẽ. Tư tưởng và lý luận của các thế hệ vì đó mà cũng khác biệt nhiều hơn. Điểm khó khăn nhất trong việc đưa ra quyết định chính là việc cần đem các giá trị kinh tế ra để do đếm so sánh với các giá trị tinh thần.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý chính sách kinh tế Trung ương cho rằng, cần có những thống kê cụ thể về các vấn đề liên quan đến Tết Nguyên Đán ảnh hưởng như thế nào đối với kinh tế, văn hóa nước nhà. “Phải có số liệu chứ không đánh giá cảm quan được. Nếu ảnh hưởng nhiều thì nên tính đến phương án gộp Tết ta vào Tết tây như Nhật Bản. Nhưng phải có phương án cực kỳ cẩn thận và tỉ mỉ”. Nhưng kể cả có số liệu thì cũng khó để mà thuyết phục một bộ phận lớn những người vẫn yêu nước, yêu truyền thống và giá trị người Việt.